Cuộc đời của “Thần kinh doanh” Nhật Bản – Matsushita Kōnosuke (Phần 6)

Cuộc đời của “Thần kinh doanh” Nhật Bản - Matsushita Kōnosuke (Phần 1): Kinh doanh, cốt là học cách làm người

Kinh doanh
Typography
  • Smaller Small Medium Big Bigger
  • Default Helvetica Segoe Georgia Times

Cuối cùng vận may của Konosuke đã đến, chúng ta tạm gác chuyện đó sang một bên, trước tiên nói về trí tuệ quản lý kiểu “đập nước” của ông, mặc dù ông chưa từng học qua bất cứ nền giáo dục bậc cao nào, vậy rốt cuộc nó đến từ đâu? Mọi người cho rằng đó là sự sáng tạo của bậc thiên tài, nhưng thực ra đó chỉ là giỏi dùng trí tuệ mà những bà nội trợ trong gia đình truyền thống để lại khi quản lý gia đình hàng ngày.

Biến thất bại trở thành tài sản, tiếp thu bài học giáo huấn chính diện

Nếu như nhất định phải nói về sự thông minh của ông thì đó chính là việc ông coi mỗi lần trải qua nghịch cảnh đều là tài sản quý giá trong cuộc đời, tiếp thu các bài học giáo huấn chính diện và không bao giờ để trải qua thất bại một cách vô ích. Nguồn gốc trí tuệ của ông đều đến từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày. Rất nhiều người vì không có chí hướng cao xa, không có nguyện vọng mãnh liệt để thực hiện hoài bão và không có tình yêu đối với con người và cuộc sống, vì vậy, ngay cả khi có cuộc sống giống nhau thì họ cũng không cách nào có được cảm hứng từ cuộc sống đó.

Konosuke thì không như vậy, ông có khát khao mạnh mẽ hiện thực hóa lý tưởng của mình từ trong tâm. Ông cũng đối đãi hết sức nghiêm túc thiết thực với công việc và những sự việc nhỏ nhặt xung quanh, đồng thời chịu khó suy nghĩ cẩn thận khi ở trong nghịch cảnh. Cho nên sau khi trải qua cú sốc lớn do khó khăn về tài chính, mặc dù ông đã vượt qua khó khăn một cách kỳ diệu và sau đó hầu như không còn bị ảnh hưởng bởi tiền bạc nữa, công việc kinh doanh cũng phát triển rất thuận lợi, nhưng ông cũng không muốn mắc sai lầm như trước đây vì sự bất cẩn khi cân nhắc liên quan đến tiền bạc của mình mà một lần nữa mang tới áp lực cho vợ và em vợ. Đương nhiên ông cũng muốn tránh tình trạng sau này nhà máy không có quỹ dự phòng quay vòng vốn, hạn chế khả năng hoạt động của nhà máy và ảnh hưởng đến tiền đồ cũng như cuộc sống của những nhân viên đi theo ông. Sau khi giải quyết xong vấn đề tiền vốn lần này, ông đã suy nghĩ rất cẩn thận và nghiêm túc về cách quản lý nhà máy của mình.

Đúng vậy, hồi còn học việc ông là người hoàn toàn không có chấp trước về tiền bạc, ông có thể bỏ ra một phần năm số tiền lương của mình để mua đồ điểm tâm dỗ cho em bé cười. Thế nhưng không chấp trước vào tiền bạc, không đồng nghĩa với việc buông lơi quản lý tiền bạc và khiến công ty rơi vào tình trạng không có tiền. Bản thân mình có thể không ham muốn vinh hoa phú quý, cũng có thể không coi tiền bạc như là mục tiêu cuối cùng đạt được trong sự nghiệp kinh doanh, tuy nhiên khiến cho nhân viên cấp dưới của mình có niềm hy vọng, có tiền đồ, khiến cho cuộc sống của họ tốt đẹp hơn, khiến cho công ty đạt được thành công, thành tích kinh doanh càng ngày càng tốt hơn, là trách nhiệm của người sáng lập công ty. Bài học giáo huấn từ thất bại nặng nề lần này khiến ông hiểu được sâu sắc rằng, quản lý tài chính tốt, sử dụng tiền bạc hợp lý mới có thể thuận lợi xoay vòng vốn và không khiến cho mọi người lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn nữa. Vì vậy, sau này Matsushita luôn có thể vượt qua các cú sốc về kinh tế một cách bình ổn, và không bị ảnh hưởng bởi sự suy thoái của kinh tế thế giới. Ông đặt tên cho hình thức quản lý này là quản lý kiểu “đập nước”. Từ điểm này mà xét thì ông tuyệt đối không phải là người liều lĩnh chỉ có dựa vào vận may, chỉ là do lần đầu tiên ông thiếu kinh nghiệm và quá coi nhẹ khi suy xét về tiền bạc.

Nguồn gốc phương pháp quản lý kiểu “đập nước” là phương pháp quản lý tài chính trong gia đình của người vợ

Trí tuệ của ông đến từ người vợ quản lý tiền bạc thay cho ông. Bởi vì sau thất bại nặng nề lần đầu tiên thì chỉ còn lại ba người, ngoài ông ra còn có người vợ 21 tuổi và cậu em vợ 14 tuổi. Mà vợ ông, kể từ khi bắt đầu kết hôn đã toàn quyền quản lý tài chính trong gia đình. Vì chồng muốn khởi nghiệp kinh doanh riêng nên tất nhiên bà trở thành người cộng sự phụ trách quản lý sổ sách kế toán cho chồng.

Nói tới việc quản lý tài chính gia đình của vợ ông thì không có gì phức tạp. Trước khi bắt đầu kinh doanh riêng, mỗi lần đến ngày chồng lĩnh lương mang về nhà, trước tiên vợ ông sẽ trích ra một phần để dành dụm, dùng khi có việc cần thiết. Sau đó mới đem chia phần còn lại thành nhiều khoản chi tiêu khác nhau như: Tiền thuê nhà, báo chí, điện nước, củi, gạo, dầu và muối v.v. Mỗi khoản chi tiêu gần như đều có con số cố định, để không bao giờ xảy ra nguy cơ khủng hoảng ngoài ý muốn trong gia đình.

Thực ra mà nói, nếu như không có sự quản lý nghiêm ngặt của vợ thì khoản tiền vốn 100 yên lúc bắt đầu khởi nghiệp của ông sẽ không tồn tại, tuy nhiên trải qua khủng hoảng lần này, ông bắt đầu suy nghĩ về cách quản lý của vợ. Trước đây, ông chỉ đưa tiền lương cho vợ, thậm chí không mở niêm phong ra xem thì đã đưa cho vợ rồi. Xưa nay ông không bao giờ hỏi về tài chính và những việc khác trong gia đình. Nhưng lần này, ông bắt đầu học phương thức và kinh nghiệm quản lý tài chính trong gia đình của vợ, đó chính là trước tiên dành ra một khoản dự phòng để dùng khi cần thiết và làm ra một bảng dự toán cố định chi phí sinh hoạt. Để đảm bảo tiền bạc có sự chuẩn bị khi có việc ngoài ý muốn và có chỗ để xoay sở. Từ đó về sau, cho dù là khoản vay tiền ngân hàng hay là dự chi các khoản chi phí, ông đều để ra một khoản để có chỗ xoay sở.

Ví dụ vay ngân hàng 1000 Man, không đủ xoay vòng vốn, thì nhất định ông sẽ vay khoảng 1300 Man, như vậy là khi phát sinh tình huống bất ngờ sẽ không phải vay tiền thêm nữa, bởi vì vay tiền hai lần sẽ tạo cho ngân hàng cảm giác rằng, công ty của các bạn liệu có vấn đề gì về kinh doanh không, làm sao mà động chút là mượn tiền. Cũng sẽ tạo cho ngân hàng cảm giác thấy không tin tưởng. Phương pháp vay tiền dư ra để có chỗ xoay sở kiểu này cũng được các công ty Nhật Bản thế hệ sau này sử dụng rộng rãi.

Nếu như vay không được 1300 Man, mà chỉ có thể vay được 1000 Man, ông cũng sẽ chi tiêu số tiền theo nguyên tắc này, chỉ dùng khoảng 800 Man để phát triển công việc kinh doanh. Luôn luôn có một khoản dự phòng để dùng khi cần thiết.

Sau khi Matsushita thành công, ông đem kinh nghiệm quản lý của mình đặt tên là phương pháp quản lý kiểu “đập nước”, rất nhiều người cho rằng đó là lý luận của thiên tài, là sáng tạo mới ngày nay, thực ra chính là bắt nguồn từ phương thức quản lý tài chính của các bà nội trợ trong gia đình truyền thống bình thường nhất. Chẳng qua, ông giỏi vận dụng trí tuệ và kinh nghiệm vốn có trong sinh hoạt, đồng thời dùng chức năng của con đập xuất hiện ở thời đại điện lực mà con người hiện đại có thể lý giải làm ví dụ minh họa. Bởi vì sau khi xây dựng xong con đập, nó không chỉ có thể phát điện mà còn có thể khống chế lượng nước, tích trữ nước để sử dụng và chuẩn bị dùng khi có tình huống hạn hán, cũng có thể phòng ngừa lũ lụt.

Sau này Matsushita đã sử dụng nguyên lý này để sử dụng hiệu quả và bố trí hợp lý nhân tài, tiền bạc và trang thiết bị. Thậm chí ông còn lợi dụng thời cơ kinh tế suy thoái sử dụng tiền bạc dự trữ và nhân tài để nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và mở trường học bồi dưỡng cho thế hệ sau. Ông đã bình tĩnh vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, thể hiện ra trí tuệ phong phú và có tầm nhìn xa trông rộng của mình.

Ngày nay, những bà nội trợ trong gia đình Nhật Bản vẫn rất xuất sắc

Nhiều người thắc mắc, một bà nội trợ trong gia đình chưa từng tiếp nhận nền giáo dục bậc cao tiên tiến làm sao có thể quản lý tài chính.Thực ra mối quan hệ giữa vợ chồng trong gia đình truyền thống hết sức rõ ràng. Người chồng làm chủ các việc bên ngoài, kiếm tiền nuôi gia đình, người vợ chuyên tâm vào việc nhà và quản lý tất cả các sự việc trong gia đình bao gồm cả quản lý tài chính, mỗi người đều có trách nhiệm và bổn phận của mình, tin tưởng, hỗ trợ và biết ơn lẫn nhau. Những điều này đều là mối quan hệ vợ chồng được truyền thừa từ thời xa xưa, hoàn toàn khác với quan niệm ngày nay vốn chú trọng vào cảm xúc, thích thì ở cùng nhau, không thích thì ly hôn. Bởi vì cách mạng văn hóa khiến cho đất nước Trung Quốc mất đi văn hóa truyền thống và quan niệm về gia đình, vì vậy rất khó lý giải những điều này. Thực ra bất kỳ ai từng xem “Hồng Lâu Mộng”, đều không khỏi khâm phục tài quản gia (tài năng và trí tuệ quản lý gia đình) của Vương Hy Phượng. Mặc dù bà không có đức hạnh, cũng chưa từng được học qua trường tư thục, nhưng trong những gia đình thời xưa thì những bà chủ quản lý gia đình đều là người rất giỏi. Chúng ta hãy xem Bảo Thoa và Thám Xuân, vì Vương Hy Phượng đổ bệnh nên được Vương phu nhân giao cho quản lý gia đình, họ đã thể hiện ra kiến thức và năng lực khiến người khác kinh ngạc, cái gọi là cơ chế hợp đồng trách nhiệm mà người hiện đại thường nói đến một cách thích thú thì sớm đã xuất hiện trong các cuộc thảo luận và phân tích khi quản lý gia đình của Bảo Thoa. Những điều này chính là bổn phận của người vợ thời xưa, tài năng và trí tuệ của người phụ nữ được truyền thừa qua các thế hệ trong gia đình, các bà mẹ tự nhiên sẽ truyền lại cho con gái trong cuộc sống sinh hoạt, chỉ vậy thôi.

Ngay cả đến hôm nay, những bà nội trợ trong gia đình ở Nhật Bản, mỗi người đều có một cuốn sổ kế toán gia đình, ghi chép các khoản thu chi hàng tháng. Họ sẽ dành ra một khoản tiền cố định, sau đó lại tính toán các khoản chi tiêu đã dự định trước, ví dụ như: Học phí của con cái, tiền điện nước, phí đi lại, phí điện thoại, chi phí đồ ăn thức uống, phí bảo hiểm, tiền lẻ, còn có phí đi du lịch vào ngày nghỉ lễ v.v., mỗi một khoản chi tiêu trước tiên đều được ghi chép cẩn thận, đồng thời chia ra và để vào các túi nhỏ đựng tiền, không bao giờ để các khoản chi tiêu vượt quá tiền lương thu nhập. Người vợ quản tiền là người sẽ phải bảo cho chồng cách sử dụng tiền như thế nào, còn người chồng sẽ giao hết tất cả tiền lương và đưa cả bảng kê chi tiết cho vợ mà không để lại đồng nào, mối quan hệ giữa hai vợ chồng rất cởi mở và rõ ràng. Không ai nghĩ rằng tiền bạc là tài sản riêng của mình, người vợ chỉ là có trách nhiệm quản lý, giống như bộ trưởng tài chính trong gia đình, từng món tiền sử dụng như thế nào đều phải ghi chép lại và sắp xếp tất cả theo thứ tự gọn gàng ngăn nắp. Hoàn toàn không tồn tại cảm giác rằng các bà nội trợ trong gia đình có địa vị thấp. Đây là cách lý giải méo mó của người Trung Quốc về người xưa sau khi mất đi văn hóa truyền thống của mình.

Cách quản lý của người Nhật Bản hiện đại bắt nguồn từ trí tuệ thời cổ đại

Người xưa thường coi bản chất của việc quản lý gia đình cũng giống như việc quản lý và cai trị đất nước, họ nói rằng trước tiên phải tu thân tề gia, sau mới hiểu làm thế nào để trị quốc bình thiên hạ. Đây cũng chính là nguyên nhân vì sao người Trung Quốc chú trọng đến mối quan hệ gia đình ngay từ khi còn nhỏ và coi trọng việc hiểu biết về những sinh hoạt cơ bản trong gia đình. Sau khi học cách vệ sinh quét dọn và xử lý các việc hàng ngày, bước tiếp theo mới có thể học thêm các kiến thức và kỹ năng khác. Konosuke không đi theo con đường giáo dục hiện đại mà thay vào đó ông không ngừng nhận được nguồn cảm hứng và trí tuệ từ mối quan hệ giữa thầy và trò truyền thống giống như người thợ thủ công và cách quản lý của gia đình truyền thống.

Giám đốc của công ty Nhật Bản thường được xưng là “親分-thân phân”, “thân” ý tứ chính là cha mẹ. Chính là ngang với người quản lý một đại gia đình, phải chăm sóc đến đời sống của nhân viên, phải làm hết chức trách của mình để nuôi sống nhân viên. Nhật Bản chịu ảnh hưởng của tư tưởng truyền thống của Trung Quốc từ thời cổ đại, đã để lại cho đời sau trí tuệ truyền thống hết sức tốt đẹp, do vậy, họ xem việc quản lý gia đình và quản lý xã hội, thậm chí quản lý quốc gia đều giống như nhau. Người Nhật Bản ngày nay, vẫn giữ cách gọi những công việc trong nhà là “家政 – gia chính”.

Thực ra rất nhiều phương pháp quản lý của người Nhật Bản bắt nguồn từ trí tuệ cổ xưa. Họ đã lấy nó ra và đưa vào thực hành với nội dung cụ thể của các công ty hiện đại, và giải thích rõ bằng những sự việc được đề cập đến trong kinh doanh hiện đại mà con người hiện đại có thể thấy được. Trên thực tế, một trong những nguyên tắc thành công mà người phương Tây xem trọng, cũng đề cập đến rằng đa số những người có thể tiết kiệm tiền sẽ có khả năng thành công hơn trong kinh doanh, điều họ nói đều là cùng một đạo lý. Chỉ có người luôn nghiêm túc thiết thực đối đãi với người khác và cuộc sống hàng ngày, đồng thời suy nghĩ cẩn thận, không ngừng tiếp thu các bài học giáo huấn, mới có thể quản lý công ty, mới có thể có được thành công trong cuộc đời.

Đầu cơ trục lợi, nóng vội cầu thành công, mơ tưởng giàu có trong một đêm, không thể thiết thực làm người và kinh doanh từng bước ổn định thì vĩnh viễn sẽ không trường tồn được lâu dài, cũng sẽ không có được thành công thực sự.

(Còn nữa)

Dịch từ: https://big5.zhengjian.org/node/238216